Các đợt thay đổi cấu trúc hệ thống phổ thông Cải cách giáo dục ở Việt Nam

Cuộc cải cách giáo dục lần đầu tiên: Năm 1950 hệ thống giáo dục chuyển từ phân ban tú tài cũ sang hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm. Hệ thống giáo dục từ 12 năm (chế độ thuộc địa) chuyển sang hệ 9 năm.

Cuộc cải cách giáo dục năm 1956: Từ năm 1956 đến năm 1976, tại miền Bắc Việt Nam, theo quy định của Bộ Giáo dục (theo Nghị định 596 ngày 30/8/1956 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên) các trường phổ thông sẽ tổ chức theo hệ thống trường phổ thông 10 năm. Hệ thống trường phổ thông 10 năm chia làm 3 cấp học, Cấp 1: 4 năm: từ lớp 1 đến lớp 4, Cấp 2: 3 năm: từ lớp 5 đến lớp 7, và Cấp 3: 3 năm: từ lớp 8 đến lớp 10. Năm học gồm 9 tháng và chia làm 4 học kỳ: Học kỳ 1 từ ngày 1 tháng 9 đến ngày 30 tháng 10 (2 tháng). Học kỳ 2 từ ngày 2 tháng 11 đến ngày 31 tháng 12 (2 tháng). Học kỳ 3 từ ngày 4 tháng 1 đến ngày 2 tháng 3 (2 tháng). Học kỳ 4 từ ngày 5 tháng 3 đến ngày 31 tháng 5 (3 tháng)[1]. Ở lần cải cách này, chương trình, sách giáo khoa chủ yếu là sao chép lại của các nước xã hội chủ nghĩa, sớm bộc lộ sự quá tải.

Khi hai miền Nam và Bắc thống nhất năm 1976 thì khuôn mẫu giáo dục ở miền Bắc tiếp cận với hệ thống giáo dục đã được thiết lập ở miền Nam; cụ thể nhất là học trình 10 năm tiểu học và trung học ở miền Bắc phải phù hợp với học trình 12 năm ở trong Nam. Hai hệ thống này song hành; Miền Bắc tiếp tục hệ 10 năm và miền Nam giữ hệ 12 năm từ năm 1976 đến năm 1981.

Đến năm 1981, thì cho áp dụng hệ 11 năm cho miền Bắc (thêm lớp 5).[2] Năm 1992-1993, hệ thống 11 năm phổ thông của miền Bắc được thay đổi từ 11 năm sang 12 năm (thêm lớp 9). Từ đó đến nay toàn bộ hệ thống là 12 năm thống nhất cả nước. Cuộc cải cách giáo dục bắt đầu từ năm 1981: Hệ thống giáo dục chuyển từ 10 năm sang 12 năm (bỏ lớp vỡ lòng), kéo theo sự đổi mới chương trình sách giáo khoa và cải tiến chữ viết. Do dư luận xã hội phản ứng mạnh, ngành giáo dục dần quay lại chữ viết cũ. Do tinh thần chỉ đạo hệ thống giáo dục Việt Nam phải bắt kịp trình độ Liên Xô và các nước Đông Âu, khiến chương trình giảng dạy của cuộc cải cách giáo dục năm 1981 bị chính các nhà trường kêu quá tải. Với ý nghĩa nội dung bao giờ cũng quyết định phương pháp, nếu sách giáo khoa bị quá tải thì không có một phương pháp nào ngoài phương pháp truyền thụ một chiều cho kịp với nội dung sách giáo khoa.

Từ năm 2000, chương trình giáo dục phổ thông được đổi mới,[3] kéo theo việc thay đổi sách giáo khoa toàn bộ cho khối phổ thông, áp dụng từ năm học 2002-03, thực hiện cuốn chiếu đồng thời từ khối lớp 1 và lớp 6, hoàn tất vào năm học 2008-09. Đây là lần đổi mới sách giáo khoa được coi là "bài bản nhất"[4] kể từ sau Cách mạng tháng 8.

Từ năm 2018-2019 trở đi, chương trình giáo dục phổ thông sẽ có sự cải cách, giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn[5][6] Trong đó, việc tích hợp môn Lịch sử và Địa lý được xem là một vấn đề gây tranh cãi lớn tại Việt Nam, điều này đã có từ năm 1996. Năm 2015, Quốc hội Việt Nam không cho phép bỏ môn Sử trong nhà trường.[7]

Cho phép tư nhân tham gia

Từ tháng 4 năm 1975 đến năm 1986 không có bất cứ một trường Tư Thục nào ở các bậc Tiểu, Trung và Đại học được phép hoạt động. Từ năm 1986 thực hiện đổi mới giáo dục, chuyển từ nền giáo dục miễn phí sang giáo dục thu học phí, hình thành mô hình trường tư thục có lợi nhuận, và cho phép những trường tư thục hoạt động.

Phân ban và không phân ban

Giai đoạn 2006-2010 là giai đoạn giáo dục Việt Nam áp dụng đại trà chương trình phân ban. Đây là thời kỳ ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ý tưởng phân ban đã bắt đầu hình thành và thí điểm dưới thời ông Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển.

Năm 2006, Bộ Giáo dục Đào tạo bắt đầu triển khai việc phân ban trong khối trung học phổ thông. Chương trình phân ban Trung học phổ thông được Bộ Bộ Giáo dục Đào tạo thí điểm từ năm học 2003-2004 tại gần 50 trường của 11 tỉnh/thành với 2 ban: khoa học tự nhiên (ban A, học nâng cao các môn toán, lý, hoá, sinh) và ban khoa học xã hội - nhân văn (ban C, học nâng cao văn, sử, địa, ngoại ngữ). Học sinh học ban nào sẽ học nâng cao ban đó. Bộ Giáo dục Đào tạo dự kiến thí điểm một năm rồi triển khai đại trà từ năm học 2004-2005. Tuy nhiên, phải đến năm 2006-2007, chương trình mới triển khai được đại trà sau khi đã nhiều lần điều chỉnh phương án phân ban. Lần điều chỉnh cuối cùng là thêm ban cơ bản, ban B - một ban được giới chuyên môn xem là "ban không phân ban". Học sinh học ban này sẽ không học nâng cao môn nào. Rốt cuộc học sinh cả nước hầu như chỉ học "ban không phân ban", và học bổ sung nâng cao các môn để thi đại học theo khối.

Học sinh lớp 12 học hai chương trình với hai bộ sách giáo khoa khác nhau (phân ban và không phân ban). Năm 2009 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 cả nước tốt nghiệp và thi tuyển sinh Đại học Cao đẳng theo chương trình phân ban đại trà. Tuy nhiên có rất nhiều bất hợp lý[8]. Chương trình phân ban bị coi là một lãng phí lớn và thất bại. Tới năm 2014, chương trình phân ban đã hoàn toàn chấm dứt[9].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cải cách giáo dục ở Việt Nam http://www.ninh-hoa.com/bk-ThuyNguyen_GiaoDucvaThi... http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/gs-hoang-tu... http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu... http://cand.com.vn/Xa-hoi/Gia-tang-tinh-trang-cu-n... http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lang-phi-chuon... http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/thi-tot-nghiep... http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/chuong-trinh-... http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=... http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-di... http://tuoitre.vn/news-571280.htm